Monday, June 14, 2010

Anh Iren




Gần bốn năm mới được trở lại Buôn Mê Thuột. Vùng trung tâm Tây Nguyên Việt Nam có tiết trời mát mẻ vào đầu tháng 6.





Như thường lệ mỗi lần đến Tây Nguyên, tự nhiên dễ thở, mũi đang tắc bỗng không tắc nữa, người đang nóng bỗng mát mẻ hơn. Thật dễ chịu. Hai chị em mất nửa tiếng để chờ đoàn từ HCMC xuống. Anh lái xe người Ê đê đã chờ ngoài kia. Tất cả lên xe về thành phố. Anh lái xe người địa phương được yêu cầu chở cả nhóm đến một quán bún hay phở. Yêu cầu của các bác sỹ tất nhiên là chỗ nào ăn ngon mà lại phải thật sạch và mát. Anh đi lòng vòng, vào một quán vỉa hè nhưng trông cũng sạch. Ba người ăn miến gà, 2 người ăn bún gà. Đồ ăn được bê ra nhanh chóng, thơm lắm. Mỗi tội mỗi bát có nguyên một cái đùi gà to lắm. Mình loay hoay một lúc cắn được 1 phát, nhưng thấy hơi vất vả. Nhìn sang bên cạnh, đồng chí bác sỹ gây mê cũng đang cân nhắc phương pháp xử lý cái tỏi gà. Cuối cùng yêu cầu đưa ra là bê tất cả trở lại và chặt nhỏ ra. Nhưng ngon. Ăn xong ai cũng thấy thế. Thịt gà tây nguyên ngon.

Tất cả về khách sạn Bạch Mã. Mọi người đi uống cà phê. Cô em mang về cho chị một ly sinh tố dâu. Ngon như ở nhà mình tự chế.

Ngày kế tiếp là một hành trình thú vị từ Buôn Mê Thuột đi Dak Nong. Xe lên đường lúc 7 giờ sáng. Anh lái xe người Ê đê tên là Iren - Iren Buôn Giá. Họ Buôn Giá ở Ê đê thông dụng như họ Nguyễn của người Kinh. Một ngày trên xe của anh Iren là một ngày với những trải nghiệm không phải lúc nào cũng có được. Phải công nhận anh Iren là người hiểu biết và văn minh.

Đến nơi nào anh cũng giới thiệu như hướng dẫn viên du lịch vậy. Anh giải thích tại sao tên địa danh ở Tây Nguyên hay có chữ Dak - Dak là nước và tên địa danh ở Tây Nguyên thường được gọi theo cái thác nước, hoặc con sông con suối ở đó.



Anh kể rằng tuân thủ chế độ mẫu hệ của người Ê đê khổ lắm, đàn ông chẳng có quyền gì, con sinh ra lấy họ mẹ, mẹ có sao thì bố cũng không được nuôi con. 'Nhưng tôi vẫn lót họ của tôi vào tên con, con tôi mang cả họ bố lẫn họ mẹ. Biết đâu vài đời sau này sẽ có thay đổi.' - anh nói. Anh được vợ hỏi cưới về và phải làm việc cho nhà vợ. Anh nói, nhiều người muốn thay đổi, nhưng cũng khó lắm. Vì ai cũng có chị có em gái nữa.

Anh Iren là một nhà ngôn ngữ ứng dụng thông minh. Anh sử dụng c tiếng Kinh và tiếng Ê đê. tiếng Kinh của anh nói y như trong sách vở, đặc biệt tiếng Kinh được dùng để dạy con vì tiếng Ê đê không đủ từ để giáo dục con, nhất là những từ để mắng. Mình thấy yêu tiếng Ê đê của anh thế, giá mà tiếng nào cũng văn minh thế thì trên đời này không có ai mắng nhiếc nhau và nói với nhau những điều không hay cả. Đang ngồi trên xe thì có ai đó gọi điện cho anh, anh nghe máy và trao đổi bằng tiếng Ê đê. Bỗng nhiên trong một tràng tiếng Ê đê anh nói 'điện thoại bị khóa', rồi thì 'mã số ngân hàng'. Một nhà ngôn ngữ thứ thiệt như mình đang phân tích tình huống thì anh đã bảo tại vì tiếng Ê đê không có những từ đó nên phải dùng tiếng Kinh.

Anh Iren có những nhận xét rất thông thái về bảo tồn văn hóa Tây Nguyên và tôn giáo. Theo anh, vấn đề chảy máu cồng chiêng nguyên nhân là do đạo tin lành được truyền bá vào Tây Nguyên. Những người Ê đê và người Mnông theo đạo tin lành bỏ đi truyền thống ở nhà sàn dài, bỏ đi cả cồng chiêng ông bà để lại. Cồng chiêng ít dần, người đánh cồng chiêng cũng không còn nhiều nữa.

Mình chưa bao giờ được nghe người dân tộc thiểu số nói về người Kinh. Anh Iren kể rằng người Ê đê hay người Mnông ở Tây Nguyên sợ người Kinh lắm, họ cũng sợ lấy người Kinh. Vì phần lớn số người dân tộc ở Tây Nguyên lấy người Kinh về sau đều bỏ nhau cả. Người đồng bào thì không bao giờ thế, đã sống với nhau có nghĩa là xác định cả đời không bao giờ xa rời nhau cả. Họ cũng không đăng ký mà chỉ cần buôn làng công nhận. Những người Kinh lên Tây Nguyên sống với con gái con trai Tây Nguyên, thành gia đình, có nghĩa là buôn làng công nhân là họ đã lấy nhau, thế mà nhiều người cứ tự nhiên một hôm bảo anh về quê ít bữa, thế là đi luôn không thấy về nữa. 'Sao không đi về quê anh ấy tìm?' 'Tìm sao được. Mà đồng bào có đi đâu bao giờ đâu mà biết đi.' Thế là anh chồng người Kinh đi mất. Vì người đối với người Kinh chắc vẫn cần luật lệ ràng buộc, không có ai tự giác như đồng bào cả. Ngày xưa, khi chưa có người Kinh lên Tây Nguyên ở, thóc gạo gặt về nhà nào nhà nấy để vào trong cái bồ ngay ngoài nương, của ai người ấy dùng không ai lấy của ai cả, trâu bò cũng buộc ngay đầu buôn không phải của mình không ai lấy, bò đi lạc vào nhà người khác người ta cũng không lấy. Thế mà bây giờ có cái gì cũng phải giữ khư khư không thì mất ngay. Kết thúc câu chuyện về người Kinh và đồng bào, anh bảo 'Nhưng bây giờ đồng bào nó cũng học người Kinh rồi. Nó gặp người Kinh nó bảo: Chào người anh em'.

Trên đường đi, mình gặp một đàn trâu người đầy bùn, bọc trong bùn. Anh giải thích 'Trâu nó cũng đi tắm bùn đấy. Da nó hàng ngày bị bao nhiêu côn trùng cắn nên cũng cần được chăm sóc chữa trị, không làm sao mà nó chịu được. Mà trâu nó ngửi bùn, bùn nào tốt, chữa được bệnh nó mới tắm đấy.' Trâu bò Tây Nguyên thật là sướng. Mà mít ở Tây Nguyên nhiều vô kể, đang là mùa mít, ngoài đường thỉnh thoảng lại gặp một xe chở đầy mít. Anh bảo mít này là để cho bò đấy. Cô em mình ghen tị 'ôi sao mình khổ hơn bò thế. Mình muốn ăn mít ngon mà chẳng có mà ăn.' Nghe chuyện anh Iren những muốn về Tây Nguyên quá.


Anh Iren chở cả nhóm mình đến bệnh viện đa khoa Dak Nông. Anh ăn trưa với cả nhóm, rồi anh đưa mình về lại Buôn Mê Thuột để đón máy bay về Hà Nội vào buổi chiều. Anh đưa cả nhóm đến cửa hàng cà fe ngon nhất Buôn Mê Thuột để mua quà Tây Nguyên. Mình hẹn anh tháng sau quay lại, sẽ lại đi cùng anh rong ruổi trên những con đường đất đỏ bụi mù của Tây Nguyên lộng gió.

No comments:

Post a Comment